Là một trong số ít những lễ hội phía Nam được đưa vào từ điển Lễ hội Việt Nam, Lễ hội Dinh Thầy Thím với khung cảnh thiên nhiên hữu tình và nét đặc sắc của riêng mình, đã mỗi ngày thêm thu hút đông đảo khách gần xa đến du lịch Phan Thiết vào dịp này mỗi năm.
Từ thị trấn Lagi-Hàm Tân-Bình Thuận về hướng Đông Bắc 12km, bằng nhiều phương tiện, bạn sẽ đến dốc Ông Bằng. Con đường nhỏ dẫn vào Dinh Thầy Thím Phan Thiết xuyên qua rừng tràm, trên những xe bò đôi ngộ nghĩnh, bạn sẽ nghe nhiều huyền thoại về Thầy Thím.
Đó là truyền thuyết về vợ chồng đạo sĩ giàu tài đức, vì bị kết tội oan, phải dùng lụa vẽ rồng bay về phía Nam lánh nạn. Dừng chân tại làng Tam Tân, họ sống bằng nghề đóng thuyền, chữa bệnh cứu người, tài đức nổi tiếng xa gần. Vào năm Thành Thái 18, nhà vua đã xóa án và sắc phong Thầy Thím: CHÍ ĐỨC TIÊN SINH, CHÍ ĐỨC NƯƠNG NƯƠNG, TÔN THẦN.
Có nhiều câu chuyện xoay quanh phép thuật của Thầy, nhưng bên trong lớp vỏ của những huyền thoại ấy là tấm lòng nhân nghĩa, không chỉ với con người mà như từ điển đã ghi “Làm bạn và cảm hóa được cả muông thú…” Làng Tam Tân xem Thầy Thím như Thành hoàng của mình, lập Dinh thờ vào năm 1879. Đây là di tích có giá trị về nhiều mặt. Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ, các trang trí nội thất thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình. Các tượng đá, bạch hổ, hắc hổ, các phù điêu tứ linh… được bố trí hài hòa, tạo nên sự linh thiên và thiên nhiên thật gần gũi.Thường nhật, có nhiều du khách vãn cảnh Dinh Thầy Thím, nhưng lễ Tế Thu mới thực sự là ngày hội không chỉ của người địa phương mà thu hút hàng vạn khách hành hương từ Thành Phố Hồ Chí Minh, miền Đông, Tây Nam Bộ.
Lễ hội kéo dài 3 ngày (từ 14 – 16/9 Âm lịch). Khói hương nghi ngút, tiếng chuông trầm mặc như đưa du khách vào sâu thẳm của thế giới tâm linh. Lễ hội có nhiều trò vui cuốn hút mọi người như: Chèo bả trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài… tạo nên một tâm thế hội thật vô cùng sôi động. Xin “lộc” Thầy, phóng sanh thả chim về rừng…, âu cũng là cách thế tạo dựng niềm tin, tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Đến với lễ hội, ngoài giải tỏa tâm linh còn là dịp giao tiếp với cộng đồng.. Trong thời gian diễn ra lễ hội, khu rừng quanh Dinh tràn ngập tiếng nói cười, đó là thế giới riêng của nam thanh nữ tú từ các nơi tìm về với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Họ đến đây để giao lưu, kết bạn, cởi mở tấm lòng, đàn hát khoe tài. Trong tiếng lá xào xạc, dưới ánh trăng ảo huyền, nhiều tình yêu đã được bắt đầu từ đây. Những tour du lịch thường xuyên khai thác nét văn hóa đặc sắc thú vị này vào chương trình tham quan khám phá.
Không gian bao la với bãi biển thơ mộng phía trước, sau là rừng già tĩnh mịch, bữa ăn dân dã với vài đặc sản biển, giữa khung cảnh sơn thủy hữu tình, khiến cho tân hồ ta như được chấp thêm đôi cánh.
Ngày nay, lễ hội Dinh thầy Thím (lễ chính vào ngày rằm tháng 9 âm lịch) đã trở thành nét văn hoá truyền thống của không chỉ riêng người dân địa phương mà còn thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách khắp nơi về xin lộc ơn phước của thầy mỗi năm.