Vùng đất cố đô cổ kính trước nay với du khách đã từng đi du lịch Huế rồi hay chưa, đều hiển hiện như một ‘xứ sở chùa chiền.’ Huế “sở hữu” phong phú các dạng chùa – đình – miếu ấn tượng, trang nghiêm. Chùa chiền ở đây có quy mô và diện mạo kiến trúc của từng nền tôn giáo lẫn thời đại lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, trong số này, một công trình chùa đặc biệt lâu đời và cuốn hút hơn cả, phải kể đến chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ là điểm du lịch Huế nổi tiếng là điều không bàn cãi. Ngôi đại tự này luôn được người dân bản địa lẫn nhiều du khách trân trọng nhắc đến như “biểu tượng” hàng đầu của văn hóa và du lịch Huế. Vậy, chùa Thiên Mụ có điểm gì độc đáo, tạo nên sức hút riêng trong hơn 400 năm tạo lập? Dưới đây là vài gợi mở có thể bạn đã từng biết những cũng có thể có những điểm bạn chưa từng nghe qua về ngôi chùa rất nổi tiếng của xứ Huế này.
Ra đời từ…1 lời truyền
Chúa Nguyễn Hoàng là người có công đầu dựng chùa Thiên Mụ, vào năm 1601, ngay khi ông vừa trở thành Trấn thủ Thuận Hóa. Theo nhiều lời tương truyền, động cơ khiến Đoàn Quốc Công họ Nguyễn lập chùa, đến từ câu nói của một bà lão; rằng, nếu dựng chùa nơi đồi Hà Khê, sẽ giúp “tụ linh khí, bền long mạch.” Với mong mỏi mở rộng giang sơn Đàng Trong, lập nền tảng vương triều nhà Nguyễn thịnh vượng về sau, ông quyết định làm theo đúng lời truyền, xây nên ngôi đại tự ngay tại đỉnh đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương.
Cũng có không ít câu chuyện khác liên quan đến nguồn gốc chùa Thiên Mụ. Nhưng dẫu là phiên bản nào, luôn tồn tại nhìn nhận xác đáng không đổi: ngôi chùa chính là công trình kiến trúc gắn liền với nỗ lực mở cõi nước Việt, đánh dấu sự khởi đầu cho một “điểm son” trong giai đoạn lịch sử nổi bật này.
Địa thế đẹp tựa ‘bích họa’
Diện tích chùa Thiên Mụ bao phủ toàn ngọn đồi Hà Khê, hướng nhìn thẳng ra sông Hương; với cảnh quang tự nhiên xanh trong, rất nên thơ và yên bình. Chúa Nguyễn Hoàng cũng từng ngợi khen thế đất nơi đây tựa một con rồng cuộn mình giữa sóng nước – tạo thành dạng bố cục hài hòa hiếm thấy. Đến năm 1884, vua Thiệu Trị cho xây thêm tháp Phước Duyên cao 21m – gồm 7 tầng, gần lối vào chính, giúp hoàn thiện hẳn không gian kiến trúc trong chùa. Sau này, chính ngọn tháp đã trở thành biểu tượng hình ảnh đặc trưng và nổi tiếng nhất về chùa Thiên Mụ.
Với nhiều Phật tử và du khách thập phương, Chùa Thiên Mụ là điểm tham quan Huế có vị trí tọa lạc gợi nên ấn tượng tĩnh tại, thoát tục và thanh sạch; một bầu không khí khác hẳn so với nhiều ồn ào – náo nhiệt của thế giới bên ngoài. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là chùa chỉ cách trung tâm Huế 5km về hướng tây (thuộc địa phận làng An Ninh Thượng, phường Kim Long, thành phố Huế). Một vị thế không hề tách biệt, mà ngược lại, rất dễ tiếp cận với mọi du khách thăm mong muốn đến chiêm bái, thưởng ngoạn chùa trong hành trình khám phá trung tâm Huế của mình.
Kiến trúc ấn tượng – vật phẩm trưng bày độc đáo
Lịch sử hơn 400 năm của chùa Thiên Mụ thể hiện rõ nét từ từng thiết kế kiến trúc trong khuôn viên; cho đến những vật phẩm trưng bày quý giá, ‘độc nhất vô nhị.’
Về tổng thể, chùa bao gồm 2 khu vực, phân định bởi cửa Nghi Môn. Trước cửa là cụm các công trình mang tính tưởng niệm: bến thuyền, cổng tam quan, đình Hương Nguyện (nay chỉ còn tàn tích là phần móng bằng đá), và tháp lớn Phước Duyên, xung quanh có bốn lầu nhỏ để bia và chuông chùa. Sau Nghi Môn là khu vực của các điện: Đại Hùng (chính điện), Địa Tạng, Quan Âm; nhà cho khách thăm, nhà Trai, vườn hoa và vườn thông xanh tốt ở hậu viên. Nhiều đời vua chúa nhà Nguyễn đã góp phần tu bổ, xây dựng thêm một số công trình khác trong chùa; nhưng tiếc rằng do chiến tranh, thiên tai nên ngày nay không còn giữ được. Nhiều người nhận định, vào thời điểm cực thịnh, chùa Thiên Mụ từng có tổng thể kiến trúc vô cùng ngoạn mục – khó có địa điểm tôn giáo nào sánh bằng trong cả xứ Trung và Nam kì.
Nét độc đáo cũng như đáng chiêm ngưỡng của ngôi đại từ, còn nằm ở không ít vật phẩm lịch sử trưng bày rãi rác nơi nội viên. Nổi bật phải nhắc đến bia đá cao trên 2,5m từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu, mô tả cụ thể về kiến trúc chùa lúc bấy giờ; chiếc xe hơi Austin hòa thượng Thích Quảng Đức để lại ngay trước khi tự thiêu năm 1963, nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm; và Đại Hồng Chung – quả chuông to đẹp nặng đến 2.000kg với niên đại 300 năm tuổi, nay đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đáng tham quan, tìm hiểu, còn có không ít tác phẩm tượng thần, Phật và bia khắc cổ; vốn là những vật phẩm để lại dấu ấn từng vương triều họ Nguyễn, kéo dài suốt từ thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20.
Bước qua cánh cổng chính, tiến vào nội viên chùa Thiên Mụ, giữa không gian tĩnh tại – trong xanh và thanh bình, bạn sẽ thấy như phiền muộn trần thế được xua đi không ít. Người đến viếng chùa, chiêm bái hay đơn thuần là chụp ảnh, ngắm cảnh, thăm thú các nơi chung quanh, đều có chung một cảm nhận trầm lắng, nhẹ nhàng mà bình an cõi lòng. Điểm đến đền chùa đẹp ở Huế có vô vàn; nhưng chắc chắn vẻ cuốn hút và những nét độc đáo đặc trưng của ngôi cổ tự này, sẽ khiến bạn khó có thể cưỡng lại mong muốn thêm một lần được tìm đến thăm quan – vãn cảnh.