Bà bầu bị rối loạn tiêu hóa nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, làm suy giảm quá trình trao đổi chất giữa mẹ và bé, tăng nguy cơ đẻ non và tình trạng sảy thai… Vì vậy mẹ bầu cần biết các kiến thức liên quan đến tình trạng rối loạn tiêu hóa khi mang thai, phương pháp phòng tránh, cách điều trị để đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi.
Dưới đây là 3 lưu ý cho bà bầu bị rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa. Những triệu chứng biểu hiện khi bị rối loạn tiêu hóa như: Buồn nôn và nôn; ợ hơi, khó tiêu; đau bụng âm ỉ, đau bụng từng cơn, nặng hơn là đau quặn; tiêu chảy; táo bón…
Tại sao bà bầu lại bị rối loạn tiêu hóa?
– Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có sự thay đổi hormone và tăng nồng độ progesterone khiến giảm nhu động ruột. Điều này dẫn đến việc lưu giữ thức ăn ở ruột lâu hơn, tiêu hóa chậm hơn gây ra táo bón, ợ hơi, đầy bụng, ăn không tiêu…
– Suốt quá trình mang thai bà bầu thường xuyên phải bổ sung thêm viên sắt. Đây cũng là nguyên nhân gây ra táo bón đối với mẹ bầu.
– Thời điểm cuối thai kì, thai nhi phát triển nhanh khiến kích thước tử cung tăng lên gây ra sự chèn ép các cơ quan nội tạng. Lúc này ruột non của bà bầu bị đẩy lên hai bên tử cung dẫn đến tình trạng táo bón gia tăng.
– Cơ thể phụ nữ mang thai rất nhạy cảm với các loại vi khuẩn và vi rút. Nếu nguồn thực phẩm ăn uống của bà bầu không đảm bảo sẽ khiến mẹ bầu bị tiêu chảy.
– 3 tháng đầu tiên của thai kỳ cơ thể phụ nữ có những thay đổi để chuẩn bị môi trường thích hợp cho thai nhi. Lúc này progestetonrn được sản sinh khá nhiều và gây ra cảm giác buồn nôn và nôn ở mẹ bầu.
Cách khắc phục rối loạn tiêu hóa cho bà bầu như thế nào?
– Bà bầu bị táo bón: Cung cấp nhiều chất xơ vào chế độ ăn mỗi ngày bao gồm: trái cây, rau xanh, ngũ cốc. Tích cực uống nhiều nước từ 2-3lit/ngày và không sử dụng đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, sô đa vì có thể làm cơ thể mất nước. Tập luyện thể chất đều đặn, bà bầu nên đi bộ hoặc tập các động tác nhẹ nhàng. Nếu tình hình không được cải thiện mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để uống một số loại thuốc giúp nhuận tràng.
– Bà bầu bị tiêu chảy: Hãy uống thật nhiều nước, có thể uống nước trái cây hoặc nước muối đường hay Oresol để bù lượng nước cho cơ thể. Bà bầu nên ăn những món dễ tiêu hóa như cháo, khoai tây, khoai lang, táo, cà rốt, chuốI, sữa chua… Hạn chế các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ hoặc bơ. Chú ý nếu mẹ bầu bị tiêu chảy kèm theo nôn ói, khô miệng, tiểu ít nhưng có màu vàng đậm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt…. cần đi đến các cơ sở y tế để theo dõi và truyền dịch.
– Bà bầu bị ợ hơi, đầy bụng: Cần tránh các loại thức ăn có nhiều dầu mỡ. Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày (6-8 bữa/ngày). Nếu dùng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không được tự ý mua thuốc sẽ rất nguy hiểm cho bà bầu.
Oanh Phạm (tổng hợp)