Từ xưa, Phù Khê đã nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ, làm đồ mộc mỹ nghệ và nhất là chạm rồng cho cung điện của vua, chúa, quý tộc phong kiến và các sản phẩm phục vụ việc thờ cúng tổ tiên. Vì thế mới có câu ca lưu truyền “Nghĩa Lập bánh đúc, Tấn Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng”. Con rồng của các nghệ nhân Phù Khê nổi tiếng về hình dáng, đường nét và rất cá tính. Ngày xưa, các phường thợ chạm Phù Khê đã vác chàng, đục đi ăn cơm góp thiên hạ ở khắp mọi miền đất nước.
Làng Phù Khê có từ bao đời nay, có lẽ không ai nhớ nổi. Có giả thuyết cho rằng, làng Phù Khê có từ thời An Dương Vương xây dựng Cổ Loa thành, thịnh vượng lên từ thời Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Do nhu cầu xây dựng thành trì và cung điện cần nhiều nhân tài nên những thợ giỏi ở khắp mọi miền đất nước về tập trung ở gần kinh thành. Phù Khê (bãi cát nổi) là nơi hội tụ của thợ chạm khắc nổi tiếng, nhất là chạm rồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử nghề chạm khắc được lưu truyền, giữ gìn và phát triển.
Con rồng vốn là sản phẩm trừu tượng do bộ óc sáng tạo của nghệ nhân. Trong thời kì phong kiến, rồng thể hiện uy quyền của vua, chúa, quý tộc xưa. Con rồng (Long) cùng với Ly, Quy, Phụng hợp thành bộ tứ linh trang trí cho đền đài, cung điện, miếu mạo… Trong bộ tứ linh con rồng luôn có vị trí trang trọng nhất, nổi bật nhất. Qua các triều đại phong kiến, con rồng được sáng tạo khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, đỉnh cao của nghệ thuật chạm rồng được chia thành 3 thời kì gắn với 3 triều đại phong kiến tiêu biểu: Con rồng thời Lý khỏe mạnh, đao nhọn hơi uốn khúc. ở thời kì này, con rồng được tưởng tượng ra từ con rắn, có thế mạnh mẽ của rắn thần. Con rồng thời Trần phát triển từ con rồng thời Lý, có thêm tóc bờm, sừng có vây… và các thế uốn lượn linh hoạt. Đến con rồng thời Nguyễn lại là sự tổng hợp của hai con rồng trước oai linh, uyển chuyển hơn với nhiều thế ẩn hiện trong mây gió. Một điều đáng nói, ở thời kì nào, triều đại nào cũng có người thợ chạm Phù Khê vác chàng đục đi khắp nơi để lại dấu ấn rồng thiêng.
Trong thời kì phong kiến, Rồng được chạm trong cung điện của vua, nó tượng trưng cho quyền lực tối cao của Thiên tử – con trời. Sau này, con rồng được các quan lại, quý tộc phong kiến chạm khắc và tới dân gian chạm rồng tại đình, chùa, miếu mạo và đồ thờ cúng tổ tiên.Tuy nhiên, sự khác nhau được tuân thủ mang tính phép tắc: Rồng của nhà vua chạm khắc trong cung đình có 5 móng (4 trước, 1 sau); con rồng của quan lại, dân gian chỉ có 4 móng (3 trước, 1 sau ). Người làng Phù Khê tự hào với nghề chạm rồng của mình. Có thể nói không quá, tất cả các kinh đô từ cổ đại tới cận đại như cố đô Huế, các hình chạm rồng đều có sự góp sức của nghệ nhân Phù Khê.
Theo: dogopphukhe